Hiểu rõ và xử trí đúng cách bệnh viêm khớp chân
Viêm khớp chân là một loại bệnh lý xương khớp phổ biến, gây đau đớn và ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Các loại viêm khớp tại chân phổ biến bệnh nhân thường gặp phải đó là viêm khớp gối và viêm khớp bàn chân.
Danh Mục
1. Viêm khớp chân là gì?
Viêm khớp chân là một bệnh lý cơ xương khớp liên quan tới tình trạng viêm ở các khớp chân. Bệnh xảy ra khi một hoặc nhiều khớp ở chân bị tổn thương khiến các xương cọ xát vào nhau gây ra tình trạng sưng, viêm, đau đớn cho các khớp và các mô mềm bao quanh.
2. Phân loại viêm khớp chân
Bệnh viêm khớp chân thường biểu hiện ở 2 dạng đó là viêm khớp gối và viêm khớp bàn chân. Nếu không can thiệp sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng.
– Viêm khớp gối
Viêm khớp gối xảy ra khi các mảnh xương sụn phần đầu gối bị các tổn thương như: bào mòn, bề mặt sụn khớp thô ráp, xù xì do nhiều nguyên nhân. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến phần khớp chà xát vào nhau gây khó khăn khi vận động và di chuyển.
Bên cạnh đó, viêm khớp gối còn làm giảm khả năng chấn động của sụn khớp. Đây là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đau, sưng, viêm tại phần khớp đầu gối.
– Viêm khớp bàn chân
Viêm khớp bàn chân là hiện tượng mô mềm của bàn chân bị viêm và nhiễm trùng do rối loạn hệ miễn dịch và biến dạng cơ học dẫn tới thay đổi mô tại bàn chân.
Theo các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, viêm khớp bàn chân còn là một dạng hao mòn sụn theo thời gian. Khi đó, hai đầu xương sẽ đối đầu, cọ xát với nhau mỗi khi người bệnh có trạng thái vận động hoặc di chuyển, gây mài mòn các khớp. Các khớp tổn thương lâu ngày sẽ bắt đầu có biểu hiện sưng, đau nhức, thậm chí bệnh nhân không thể đi lại như bình thường.
Phần lớn, các dạng của viêm khớp chân là bệnh mạn tính, có triệu chứng và diễn biến phức tạp, khó điều trị. Việc không điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm giảm khả năng vận động, gây biến dạng khớp hay thậm chí tàn phế vĩnh viễn.
3. Triệu chứng
3.1 Triệu chứng viêm khớp gối
– Đau nhức
Các cơn đau nhức do viêm khớp gối thường không phải đau nặng mà chỉ âm ỉ. Ban đầu, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức vào buổi sáng khi thức dậy hay sau giấc ngủ giữa ngày. Khi bệnh nghiêm trọng hơn, tình trạng đau nhức có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm gián đoạn tới cả giấc ngủ của người bệnh.
– Sưng đỏ quanh khớp
Phần khớp gối bị viêm do chất lỏng tích tụ quá mức. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sưng đỏ, sưng phồng quanh khớp. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu, dùng tay cũng có thể cảm nhận được sự ấm nóng quanh phần khớp sưng.
– Cứng khớp gối
Tính trạng cứng khớp gối xuất hiện sau khoảng thời gian dài nghỉ ngơi hoặc ngay sau khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng. Nếu không có các biện pháp xoa bóp nhẹ nhàng sẽ gây hạn chế trong quá trình vận động của người bệnh.
– Khó vận động khớp gối
Khi phần khớp bị viêm, lớp sụn bảo vệ đã bị ăn mòn, dẫn đến tầm vận động của khớp gối bị suy giảm. Hệ quả là người bệnh sẽ cảm thấy đau trong tất cả các hoạt động hàng ngày như: đứng lên, ngồi xuống, duỗi thẳng hay gập đầu gối.
3.2 Viêm khớp bàn chân
Khi bị viêm khớp bàn chân, người bệnh sẽ bắt gặp những biểu hiện sau đây:
– Đau, cứng khớp
Người bị viêm khớp bàn chân thường có biểu hiện đau, đặc biệt là mỗi buổi sáng thức dậy. Vùng đau có thể lan rộng sang các khớp chân, thậm chí là đau lan ra cả bàn chân.
Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm vùng khớp chân bị cứng, muốn đi lại được cần tác động xoa bóp từ 10-15 phút mới cảm thấy dễ chịu.
– Sưng đỏ, nóng rát
Hiện tượng sưng đỏ tại vùng bàn chân có thể xuất hiện. Lúc này nếu đặt tay vào bàn chân sẽ thấy vùng da nóng rát hơn bình thường.
Ngoài ra, một số người bệnh còn có các triệu chứng khác kèm theo như: sốt, nóng, mệt mỏi…
4. Chẩn đoán
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp chân khá đa dạng và khó chẩn đoán. Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên tới chuyên khoa cơ xương khớp để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có kết luận chính xác. Tại đây bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng gồm:
4.1 Khám lâm sàng
Kiểm tra sự biến dạng khớp, tầm vận động của khớp hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào của xương khớp, đánh giá khả năng vận động và mức độ tổn thương qua những biểu hiện ở khớp của người bệnh…
4.2 Khám cận lâm sàng
Sau khi khám lâm sàng, tùy vào bệnh lý nghi ngờ và tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định một số chẩn đoán cận lâm sàng gồm:
– Xét nghiệm máu, nước tiểu: Giúp kiểm tra các yếu tố dạng thấp, nồng độ axit uric trong máu và loại vi khuẩn đang hoạt động. Từ đó chẩn đoán các dạng viêm khớp người bệnh đang gặp phải như: viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp nhiễm trùng…
– Chụp X-quang, CT, MRI: Xác định tổn thương của xương, khớp và mô mềm dưới nhiều góc độ khác nhau, giúp bác sĩ chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
– Siêu âm khớp: Sử dụng thiết bị phát ra sóng âm có tần số cao để kiểm tra và đánh giá các ổ dịch khớp, bao hoạt dịch, sụn…
5. Cách điều trị
Để cải thiện tình trạng viêm khớp chân, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ qua các phương pháp điều trị sau:
5.1 Giảm đau viêm khớp chân tại nhà
Đối với các triệu chứng ban đầu, người bệnh có thể giảm đau tại nhà bằng cách tích cực nghỉ ngơi. Ngoài ra cũng có thể áp dụng các phương pháp giảm đau nhanh như:
– Tắm bằng nước ấm để thúc đẩy tuần hoàn máu, hỗ trợ đáng kể giảm đau nhức khớp.
– Chườm đá để giảm đau, giảm sưng cho khớp.
– Massage thư giãn tại các vùng đau nhức hoặc cả chân.
5.2 Dùng thuốc
Người bệnh có thể dễ dàng mua các loại thuốc giảm đau tại các cửa hàng thuốc. Tuy nhiên, để điều trị bệnh tận gốc và tránh tiền mất tật mang, người bệnh nên sử dụng các loại thuốc được chỉ định và kê đơn từ các bác sĩ chuyên khoa.
Bởi nếu sử dụng không đúng loại và liều lượng thuốc có thể gây tới các tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
5.3 Vật lý trị liệu
Đây là một trong những phương pháp giúp hỗ trợ giảm viêm, đau và cải thiện khả năng vận động cho các bệnh nhân mắc viêm khớp chân. Ngoài ra còn giúp tăng sức cơ, cải thiện sức khỏe của hệ xương và các khớp.
Tại các trung tâm vật lý trị liệu, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn vật lý trị liệu với các bài tập đơn giản hoặc áp dụng các liệu pháp như: điện, nhiệt trị liệu.
5.4 Thăm khám bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp để có phác đồ điều trị viêm khớp chân hiệu quả
Để biết chắc chắn liệu khớp chân có bị viêm hay không, người bệnh nên chủ động thăm khám các bác sĩ chuyên khoa về cơ xương khớp khi gặp bất cứ triệu chứng nào liên quan tới sưng, đau khớp, nóng đỏ vùng da quanh khớp,…
Các biến chứng của bệnh viêm khớp chân tiến triển rất nhanh chóng khiến người bệnh không thể kiểm soát. Vì vậy việc thăm khám các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp bệnh nhân nắm rõ được tình trạng bệnh, từ đó có các biện pháp chữa trị kịp thời, nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp người bệnh có thêm những kiến thức về bệnh viêm khớp chân. Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế việc thăm khám và điều trị chuyên khoa. Khi thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường nghi ngờ viêm khớp, hãy đi khám để được các chuyên gia cơ xương khớp chẩn đoán và điều trị đúng hướng, kịp thời.
Nguồn: Bệnh Viên Thu Cúc VN