Tất tần tật những điều cần biết về đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là tình trạng thường gặp ở độ tuổi trên 30 và gây ảnh hưởng tới chức năng vận động, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là gì, triệu chứng nhận biết và cách điều trị như thế nào, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Danh Mục
1. Tổng quan về bệnh
1.1 Khái niệm
Đau thần kinh tọa là khái niệm dùng để chỉ tình trạng đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa hay còn được biết với tên là đau dây thần kinh hông to. Đây là dây thần kinh đi từ vị trí dưới thắt lưng đến ngón chân và biết đến là dây thần kinh dài nhất của cơ thể. Cơn đau thường bắt đầu từ cột sống thắt lưng sau đó lan tới đùi phần mặt ngoài và phần cẳng chân có thể lan tới mắt cá chân bên ngoài hoặc các ngón chân tùy theo vị trí tổn thương.
Bệnh lý này rất phổ biến và độ tuổi thường gặp phải tình trạng đau thần kinh tọa là từ 30 – 50 tuổi và nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này chủ yếu do bệnh lý ở đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh (khoảng 80%) gây viêm đau. Ngoài ra 1 số nguyên nhân ít gặp hơn như chấn thương, người bệnh bị viêm đĩa vị cột sống, tổn thương vùng thân cột sống… cũng có thể gây đau thần kinh tọa.
1.2 Đối tượng dễ gặp phải tình trạng đau thần kinh tọa
Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ đau thần kinh tọa cũng tăng lên, lý do là khi tuổi cao thì dễ gặp phải những thay đổi ở cột sống điển hình như thoát vị đĩa đệm, gai xương….
Thừa cân: Những người bị thừa cân, béo phì khiến cột sống phải chịu áp lực lớn và dễ gây ra các biến đổi, tổn thương dẫn đến đau thần kinh tọa.
Đặc thù nghề nghiệp: Một số công việc đặc thù thường phải mang vác nặng, ngồi nhiều, ít vận động… cũng dễ gặp phải tình trạng đau thần kinh tọa.
Người bị tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh và cũng dễ dẫn đến đau thần kinh tọa.
1.3 Mức độ nguy hiểm của bệnh
Thông thường các cơn đau thần kinh tọa đa phần sẽ tự khỏi tuy nhiên bệnh có thể gây nên các cơn đau nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến vận động thậm chí gây suy yếu chi dẫn đến tàn phế. Ngoài ra bệnh cũng có thể gây nên tình trạng thay đổi bàng quang, ruột cần phải thực hiện phẫu thuật. Vì vậy bệnh cần được nhận biết, chẩn đoán và điều trị sớm.
2. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa và dấu hiệu nhận biết
2.1. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân trực tiếp và thường gặp nhất của đau thần kinh tọa là do đĩa đệm cột sống bị lồi ra (do thoát vị) và đè lên dây thần kinh gây đau.
Bên cạnh đó, bệnh còn có thể gặp phải do 1 số nguyên nhân như tình trạng chấn thương, người bệnh bị viêm đĩa vị cột sống, tổn thương vùng thân cột sống… (ít gặp hơn) và 1 số nguyên nhân hiếm gặp là các khối u chèn ép, tình trạng gãy xương chậu gây nhiễm trùng, biến chứng, mang thai…
2.2. Dấu hiệu nhận biết
Tùy theo vị trí của tổn thương mà cơn đau thần kinh tọa sẽ biểu hiện khác nhau. Thông thường cơn đau sẽ xuất hiện dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa từ vùng thắt lưng tới đùi và đến chân (cẳng chân, mắt cá chân, ngón chân). Trong 1 số trường hợp người bệnh không bị đau vùng cột sống mà chỉ đau dọc theo chân.
Về cường độ cơn đau cũng có thể khác nhau ở từng người bệnh, có thể đau dữ dội hoặc đau nhói và cảm giác đau sẽ tăng lên khi hắt hơi hoặc ngồi lâu 1 tư thế. Và thường cơn đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng tới 1 nửa người. Ngoài cơn đau thì người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng tê, yếu cơ hoặc ngứa ở chân.
Thông thường cơn đau thần kinh tọa ở dạng nhẹ thường tự khỏi tuy nhiên nếu đau dữ dội ngày 1 tăng mà không giảm thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
3. Phòng và điều trị bệnh đau thần kinh tọa
3.1 Cách phòng bệnh
Để phòng bệnh đau thần kinh tọa, bạn nên thực hiện 1 số phương pháp sau đây:
– Luyện tập thể dục thể thao đúng cách đều đặn mỗi ngày
– Duy trì tư thế ngồi thích hợp, khi ngồi nên giữ thẳng lưng và thỉnh thoảng nên đứng dậy đi lại vận động, tránh ngồi quá lâu.
– Hạn chế mang vác các vật nặng, khi mang vác nặng nên giữ lưng thẳng, tránh nâng và vặn vùng thắt lưng đồng thời.
3.2 Điều trị bệnh đau dây thần kinh tọa
Khi điều trị đau thần kinh tọa cần tuân theo các nguyên tắc như điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, giảm đau phục hồi vận động, điều trị nội khoa với những trường hợp nhẹ và vừa, với trường hợp nặng có biến chứng thì can thiệp ngoại khoa….
Điều trị nội khoa
Với các trường hợp nhẹ bác sĩ sẽ chỉ định nghỉ ngơi cùng với sử dụng 1 số loại thuốc.
– Về chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi: Người bệnh nên nằm giường cứng, tránh mang vác nặng, tránh đứng ngồi lâu hoặc thực hiện các động tác mạnh và đột ngột…
– Sử dụng thuốc: Tùy theo mức độ đau mà bác sĩ sẽ cho người bệnh các loại thuốc giảm đau, cùng với đó có thể sử dụng thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh hoặc vitamin nhóm B…
Lưu ý: Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc mà cần theo sự kê đơn của bác sĩ.
Sử dụng vật lý trị liệu
Khi tình trạng bệnh cải thiện, các cơn đau giảm, bác sĩ ó thể tư vấn người bệnh sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng như các bài tập hoặc sử dụng đai đeo hỗ trợ cột sống.
Điều trị ngoại khoa
Với những trường hợp nặng hoặc có biến chứng bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị ngoại khoa. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà có thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật khác nhau như phẫu thuật nội soi, mổ hở, làm vững cột sống…
Trên đây là những kiến thức về đau thần kinh tọa mà bạn có thể tham khảo. Đau thần kinh tọa tuy có thể tự khỏi nhưng trường hợp nặng có thể gây biến chứng nên khi thấy các dấu hiệu bất thường cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: Bệnh Viên Thu Cúc VN